Ngày xưa cách nay đã vài thập niên. Khung cảnh Huế ngày ấy buồn não lòng đối với người Saigon ra đây. Cái chi cũng chậm rãi. Từ dòng Sông Hư...
Ngày xưa cách nay đã vài thập niên. Khung cảnh Huế ngày ấy buồn não lòng đối với người Saigon ra đây. Cái chi cũng chậm rãi. Từ dòng Sông Hương lặng lẽ trôi, người chèo đò khoan thai đẩy mái, giọng Huế từ tốn đến các quán xá chẳng ầm ĩ như những nơi khác.
Ở một thời gian rồi mới thấy Huế có nét đẹp riêng mà không có ở bất kỳ đâu. Nhưng những ngày đầu đến Huế gặp nhiều trở ngại hơn hẳn so với những nơi tôi đã từng đến. Kể cả Đồng Văn nơi cực bắc, hay Mũi Cà Mau ở cực Nam.
Đầu tiên là ngôn ngữ. Phải nói là hiểu được chết liền. Thì ra giọng Huế ở Saigon, giọng Huế ở Đà Lạt đã được giảm liều lượng đáng kể. Còn ở đây, họ vừa giữ nguyên ngữ điệu của Huế, lại vừa sử dụng từ địa phương. Có lẽ người Huế muốn níu chân khách thập phương nên để hiểu được tiếng Huế cần phải ở đây lâu hơn ?
Tiếng Việt có sáu thanh là không dấu, huyền, sắc, ngã, hỏi và nặng. Giọng miền Trung chỉ còn bốn nhưng giọng Huế hầu như chỉ còn ba vì sắc, hỏi và ngã thiên về thanh nặng hoặc thanh huyền.
“Người Huệ chụng em hiền lặm, anh nì ! Nghe riệt rồi quen, cọ răng chi mô ?”
(Người Huế chúng em hiền lắm, anh ơi ! Nghe riết rồi quen, có sao đâu mà ?)
Về từ ngữ địa phương thì ôi chua choa, cứ như ở nơi mô mà chẳng hiểu chi. Thường ở Saigon chỉ biết vài từ như chừ, mô, răng, tê, chi, rứa. Còn ở đây nhiều lắm.
Miền Bắc gọi cái tô của miền Nam là cái bát, còn ở đây gọi là cái đọi. Ở Nam gọi là té, Bắc gọi là ngã còn Huế là bổ. Có một số từ của Huế đã được dùng nhiều ở Nam mà người ta không biết như hằm bà lằng (lộn xộn), ỏm củ tỏi (ồn ào).
Nói về nhân vật thứ ba đồng vai phải lứa, người Huế chẳng gọi anh, chị hay em mà dùng từ “hắn”. Nam hay nữ cũng “hắn”. Thậm chí “hắn” còn để nói về …vật nuôi.
Một cô gái Huế than vãn : Hặn lại chạy đi mô rồi ? không biệt tội nay cọ về không ni ! (Hắn lại chạy đi đâu rồi ? không biết tối nay có về không đây !)
Tôi hỏi : Chồng em đi đâu mà tối không về ?
Cô ta cười : Chồng hỉ ? em vận mình ên. Em nọi con chọ chạy mật tiêu không biệt cọ bị bặt không ni ! (Chồng hả ? em vẫn độc thân. Em nói con chó chạy mất tiêu rồi không biết có bị bắt không đây !)
Tôi hỏi : Em nuôi “hắn” lâu chưa ? “hắn” có dữ không em ?
Cô ta trả lời : Ôi chu choa ! Hặn không cọ răng mô, anh đừng lo. (tự dịch)
Phụ nữ, không phân biệt già hay trẻ, được gọi là o nghe rất hay. Gọi là o nghe tình cảm hơn là cô, không sỗ sàng như em và không bị hớ nếu gặp người lớn tuổi.
Người Huế rất hay “dạ, thưa”. Cái chi cũng dạ, cũng thưa. Càng lạ lẫm với nhau càng thưa với dạ. Dạ thưa ở đây không phải chỉ để thể hiện sự kính trọng của kẻ dưới với người trên, mà còn thể hiện sự lịch sự. Ở Saigon, người ta chỉ cần “thưa …” là đủ và chỉ dùng trong hoàn cảnh cần sự kính trọng. Còn Huế kèm thêm tiếng dạ làm tình cảm dễ gần gũi hơn. Hỏi thăm đường một người chạy xe ôm đang chờ khách bên vệ đường, chẳng có ông xe ôm nào ở bất kỳ đâu lại trả lời rằng “dạ, thưa anh, anh đi ngược rồi ! anh phại đi đường bên tê !”. Xe ôm Saigon cũng chỉ đường tận tình nhưng có được tiếng dạ thưa thì đừng hòng. Xe ôm Hà Nội còn tệ hơn với lối trả lời cộc lốc thuộc thể loại yes or no hoặc ngoảnh mặt làm ngơ.
Ở đây dằng dặc những ngày mưa
Bông sứ trầm tư lặng cổng chùa
Có một dòng sông trôi chẳng nỡ
Có người con gái: ‘Dạ, xin thưa.. .’
Bông sứ trầm tư lặng cổng chùa
Có một dòng sông trôi chẳng nỡ
Có người con gái: ‘Dạ, xin thưa.. .’
(Nét Huế – tác giả Xuân Hoàng)
Trở ngại tiếp theo là món ăn. Phải nói là Huế có nhiều món ăn rất ngon, nổi tiếng như bún bò Huế, cơm hến, bánh khoái, …Ngon là như thế nhưng chỉ ăn được vài ba ngày là tôi đã phù mỏ vì …cay quá ! Một nồi bún bò Huế lúc nào cũng một váng màu đỏ ớt ở trên, nhìn là biết cay rồi. Thế mà một đứa con nít khệ nệ bưng tô bún về chỗ ngồi, múc thêm một thìa ớt bột. Đã xong đâu, trong lúc ăn còn thỉnh thoàng cắn mấy trái ớt rôm rốp như người ta ăn cà rốt sống. Còn tô bún của tôi đã dặn là đừng lấy váng ớt, nặn chanh nhiều cho giảm cay. Nhưng chỉ chiến đấu đến nửa tô bún là phải há hốc miệng thổi phù phù.
Ở Huế một thời gian mới biết, bún bò Huế trong Đại Nội ngon hơn bên ngoài. Ở đây, người ta vẫn còn sử dụng các loại nồi đồng thời xưa, hình quả bầu để nấu. Nhìn là thấy phê rồi.
Ngày xưa đến Huế tôi có niềm tiếc nuối là không đến được quán bánh khoái Lạc Thiện ở Cửa Thượng Tứ. Tiếc nuối không phải vì không được ăn món bánh khoái ngon mà vì không gặp được … cô chủ quán. Chủ quán là ba chị em ruột, đẹp và bị câm. Tôi cứ thầm nhủ là nếu có dịp quay lại Huế, phải đến Lạc Thiện cho bằng được.
Điều lạ lùng nhất mà tôi phát hiện ở Huế là mưa. Huế và Đà Nẵng chỉ cách nhau một Đèo Hải Vân nhưng rõ ràng thời tiết ở hai bên khác nhau rõ rệt. Nắng mưa ở Đà Nẵng giống như ở Saigon. Còn Huế có bốn mùa như miền Bắc. Nhưng mưa ở đây thì không đụng hàng.
Lần đầu tiên tôi thấy một cơn mưa rả rích, không đủ to để gọi là mưa rào, không đủ nhỏ để gọi là mưa bụi. Mưa hết ngày này sang ngày khác, từ sáng đến tối hầu như không lúc nào dứt mưa. Mưa nhiều thì ngập úng, gây hư hại cho mùa màng. Còn ở đây, người ta gọi là mưa thúi đất. Mưa Ngâu xem ra cũng chẳng thấm thía gì so với mưa ở đây.
Mưa Huế đã trở thành một đặc sản du lịch Huế. Trong cuộc hội thảo “Xây dựng thương hiệu du lịch Huế” vào tháng 2/2011 người ta đã đề xuất làm mái hiên kết nối các tòa nhà với nhau để du khách không bị ướt. Giống như Singapore đã làm. Đang thảo luận sôi nổi thì có người hỏi mái hiên thì làm được nhưng lề đường có đâu mà đi ? Rồi chuyển sang xây dựng các phòng trà. Mưa mà nghe nhạc là nhất. Rồi món ăn nào nên ăn trong mưa để tránh rét. Rồi năm 2012, Tổng Cục Du Lịch tổ chức hẳn một Lễ Hội Mưa Huế với chủ đề “Ấn Tượng Mưa Huế”.
Ngày đó tôi có thói quen sáng sớm ngồi ở một quán cà phê đầu cầu Tràng Tiền phía bên đường Lê Lợi. Cà phê ở đây ngon đã đành, mà ngồi ở đây có cái thú là nhìn mọi người qua lại trên cầu. Cầu tràng Tiền là một trong những điểm nhấn của Huế với Sáu Vài Mười Hai Nhịp. Tết Mậu Thân 1968, cầu đã gãy mất một vài và hai nhịp. Ngày ấy đôi bờ đã đi qua cầu được nhưng vẫn còn hằn dấu tích chiến tranh.
Huế đã thơ mộng, Huế trong mưa càng lặng lẽ. Một người đạp xích lô chậm rãi lên dốc cầu, vài chiếc xe honda chạy từ từ trong mưa. Lạ một điều là có áo mưa nhưng hình như ai cũng ướt. Mà ướt cũng phải vì áo mưa ngày đó đâu được như bây giờ, có thể chỉ là một miếng ni-lon quấn ngang người. Nữ sinh vẫn hồn nhiên, tíu tít đạp xe đạp đi hàng hai, hàng ba. Người Huế chẳng vội vã. Theo thời gian, tôi cũng tìm ra qui luật giờ giấc của một số người đi qua cầu, cứ y như bài học “In A Small Town” trong cuốn “English For Today” thuở nào. Nhưng bài học đó không có đoạn đến một ngày nào đó, có người không còn qua cái cầu ấy nữa.
Sáng nào cũng ngồi đấy. Uống có một ly cà phê đen mà ngồi đến lúc vắng người trên cầu tôi mới lửng thửng đội mưa đi bộ qua cầu. Ông chủ quán cũng tốt bụng không làm khó dễ mà còn thỉnh thoảng châm thêm bình trà. Có hôm muốn bắt chuyện, ông ta rút gói thuốc Mai (thuốc đen ngày ấy) ra mời. Ông ta thất vọng vì tốn rất nhiều thuốc lá nhưng vẫn không hiểu tôi ngồi đợi ai mà cứ nhìn về phía cái đầu cầu ấy.
Thời ấy cái chi cũng khó khăn nhưng người Huế vẫn khoan thai trong nhịp sống.
Bây giờ có dịp trở lại Huế, tôi sẽ không ghé Quán Lạc Thiện nữa vì e rằng các cô chủ quán bây giờ sẽ làm tan nát hình ảnh bánh khoái Lạc Thiện ngày xưa trong tôi. Nhưng tôi sẽ tìm lại cái quán cóc ấy. Nếu ông chủ quán còn ở đó, tôi sẽ kể cho ông ta nghe hồi đó tôi ngồi đợi ai. Ông ấy có bệnh nặng đến mấy thì cũng sẽ ngồi bật dậy để hỏi “rồi sao nữa !”.
O kia có hỏi mưa nhớ đâu ?
Dạ, thưa nhớ xứ đẫm mưa ngâu
Mùa này chỉ mưa mà không nắng
O đi khiến nỗi đợi thêm sầu
Xa rồi quán cóc vẫn còn nhớ
Nơi ngồi đón đợi ở đầu cầu
Tràng Tiền lỗi nhịp dầm mưa rét
Mưa làm thúi đất bởi vì lâu
Dạ, thưa nhớ xứ đẫm mưa ngâu
Mùa này chỉ mưa mà không nắng
O đi khiến nỗi đợi thêm sầu
Xa rồi quán cóc vẫn còn nhớ
Nơi ngồi đón đợi ở đầu cầu
Tràng Tiền lỗi nhịp dầm mưa rét
Mưa làm thúi đất bởi vì lâu
PQT
8/2013
8/2013
Ảnh : từ Internet
COMMENTS