Chip lượng tử "Willow" của Google chỉ mất 5 phút để giải bài toán mà siêu máy tính nhanh nhất thế giới hiện nay phải mất hàng tỷ năm mới hoàn thành.
Trong tương lai, có thể có một loại máy tính kiểu mới sẽ ra đời. Đó là máy tính lượng tử hoạt động theo cách hoàn toàn khác so với máy tính dựa trên mạch điện tử như điện thoại hoặc máy tính xách tay hiện nay.
Ngày 09-12-2024, Google thông báo trên tạp chí Nature đã hoàn thành con chip máy tính lượng tử có tên là "Willow". Con chip này là bước phát triển mới nhất trong lĩnh vực điện toán lượng tử, là lĩnh vực sử dụng các nguyên lý của vật lý hạt để tạo ra một loại máy tính mới có sức mạnh đáng kinh ngạc để giải quyết các vấn đề với tốc độ nhanh hơn nhiều so với máy tính truyền thống.
Để hình dung tốc dộ xử lý của con chip "Willow" này, Google đưa ra một sự so sánh, "Willow" chỉ mất 5 phút để giải quyết một bài toán mà siêu máy tính nhanh nhất thế giới hiện nay phải mất mười ngàn tỷ tỷ năm, một con số có 25 con số không, mới có thể hoàn thành.
Máy tính thông thường hoạt động theo kiểu nhị phân: Chúng thực hiện các tác vụ bằng các đoạn dữ liệu nhỏ, vốn chỉ tồn tại ở trạng thái 1 hoặc 0. Thế nhưng, các đoạn dữ liệu trên máy tính lượng tử, được gọi là qubit, có thể ở trạng thái 1 và 0 cùng lúc, cho phép chúng xử lý số lượng lớn kết quả. Qubit tuy nhanh nhưng dễ bị lỗi, vì chúng có thể bị tác động bởi loại hạt hạ nguyên tử (subatomic particle), là loại hạt nhỏ hơn nhiều lần so với kích thước nguyên tử, thường có trong các phản ứng hạt nhân hay phản ứng phân rã. Các hạt hạ nguyên tử đến nhiều từ không gian. Khi nhiều qubit được đóng gói vào một con chip, những lỗi đó có thể cộng lại khiến con chip lượng tử chưa chắc đã tốt hơn một con chip máy tính thông thường. Vì vậy, kể từ những năm 1990, các nhà khoa học đã nghiên cứu về hiệu chỉnh lỗi lượng tử.
Công trình của Google là giảm lỗi lượng tử theo cấp số nhân khi tăng số lượng qubit, một kỳ tích mà các nhà nghiên cứu không làm được gần 30 năm.
Google hy vọng một ngày nào đó máy tính lượng tử sẽ giải quyết được các vấn đề nan giải, nhất là trí tuệ nhân tạo mà máy tính hiện nay không thể với tới.
Không chỉ Google, các công ty trên toàn thế giới cũng như một số quốc gia đang chạy đua để tạo ra máy tính lượng tử.
COMMENTS